Trang chủ Blog Nhật ký nghề DA: Hành trình từ Non-IT, Fresher Data Analyst đến Senior Data Analyst

Nhật ký nghề DA: Hành trình từ Non-IT, Fresher Data Analyst đến Senior Data Analyst

9 Tháng tư, 2024 - 6:06

Chào bạn, tôi là Đinh Minh Phúc, giảng viên của Học viện Dữ liệu Smart Data. Với xuất phát điểm là một người trái ngành bước chân vào thế giới của Data, tôi muốn chia sẻ với các bạn hành trình tôi đã đi như thế nào để có thể đảm nhận vị trí Senior Data Analyst như hiện tại. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn Fresher, Non-IT đang loay hoay trong mê cung của data. Cùng bắt đầu nhé!

Quyết định chuyển ngành của mình bắt đầu từ đâu?

Trước đây công việc của Phúc là Sales tại một doanh nghiệp. Trong các công việc hàng ngày thì mình có công việc liên quan đến xử lý dữ liệu bằng excel. Và sau một thời gian, mình nhận ra mình có hứng thú với dữ liệu. Vậy là Phúc đã quyết định bước chân sâu hơn vào lĩnh vực này bằng cách đề xuất được sang hỗ trợ team Data của công ty, chấp nhận mức thu nhập có thể sẽ giảm xuống. 

Trong quá trình này, Phúc đảm nhận công việc bán và tư vấn dịch vụ data cho các đối tác, khách hàng của công ty. Song song với đó, mình cũng bắt đầu làm công việc phân tích. Sau 6 tháng, mình cảm thấy bản thân phù hợp với dữ liệu, phù hợp để làm việc trong ngành data. Vì vậy, mình đã quyết định chính thức chuyển ngành sang data.

Fresher Data Analyst cần học những kiến thức gì? Lộ trình học Data Analyst dành cho Fresher và Non-IT

Với trải nghiệm của mình trong hành trình tự học, thì các bạn Fresher sẽ cần học những kiến thức sau:

Tầng kiến thức thứ nhất

Thứ nhất là kiến thức về tool. Bạn cần chắc kiến thức về tool trước, đây là yêu cầu tối thiểu để có thể làm Data Analyst. 

Với level Fresher và Junior, bạn cần nắm được các công cụ sau để thuyết phục nhà tuyển dụng:

  • SQL: Sử dụng để truy vấn dữ liệu từ database, lấy dữ liệu phục vụ cho các bước sau.
  • BI Tool (Power BI, Google Data Studio,…): Sử dụng để visualize dữ liệu.

Bạn nên tìm hiểu doanh nghiệp bạn dự định apply đang sử dụng tool nào. Vì mỗi công cụ sẽ có phần khác nhau, và kiến thức cũng mênh mông. Vì vậy “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Hãy tập trung để master 1 vài tool mà bạn sẽ sử dụng. Đây sẽ là một lợi thế cho bạn khi apply.

Tầng kiến thức thứ hai

Thứ hai là kiến thức về chuyên ngành, như marketing, sales, HR, eCommerce,… Các bạn cần nắm được những bộ chỉ số phân tích theo lĩnh vực của công ty để đáp ứng nhu cầu data, phân tích. 

Vì sao Data Analyst lại cần biết kiến thức chuyên ngành? Đó là vì bạn sẽ tiếp cận các order từ end users trong từ các phòng ban trong công ty. Và bạn cần hiểu đề bài để có thể visualize một cách tối ưu, cũng như phân tích dữ liệu sao cho hiệu quả.

Lý do mình xếp các kiến thức này ở tầng thứ 2 là vì kiến thức chuyên ngành (domain) thì rất mênh mông, khó đào tạo vì phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Thậm chí, bộ chỉ số phân tích còn có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy các bạn sẽ bổ sung và học hỏi dần những kiến thức này qua từng công ty.

Bạn có thể tìm hiểu lộ trình học chi tiết cho Non-IT và Fresher Data Analyst tại đây nhé!

Lời khuyên của mình cho các bạn Fresher Data Analyst

Các bạn nên tìm những doanh nghiệp có leader tốt, có thể làm người mentor hướng dẫn các bạn. Họ sẽ là người chỉ cho bạn lý thuyết sẽ được áp dụng vào thực tế như thế nào. Mình đã từng được làm việc cùng một người leader tốt khi mình bắt đầu chuyển ngành. Vì vậy mình hiểu rằng điều đó có giá trị như thế nào, đặc biệt trong việc giúp các bạn Fresher có thể tiến nhanh hơn trên con đường này. 

Ngoài ra bạn cũng cần có khả năng tự học hỏi, tìm hiểu vì Data Analyst vẫn còn là một ngành mới mẻ tại Việt Nam. Chủ động nghiên cứu và tự học với các tài liệu tiếng Anh sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc.

Bằng đại học có THỰC SỰ quan trọng hay không?

Mình không phủ nhận việc có thời gian đào tạo tại đại học sẽ giúp hành trình làm Data Analyst của bạn dễ thở hơn. Nhưng với kinh nghiệm từ một người trái ngành, đang làm công việc của một DA và tuyển dụng DA thì ý kiến cá nhân của mình là: Bằng đại học không phải là tất cả, và nó không quá quan trọng đến việc nhà tuyển dụng sẽ đánh rớt nếu bạn không có tấm bằng đó.

Lý do vì sao?

Việc bạn có bằng đại học thể hiện rằng bạn có khả năng tự học, mindset về data. Hay các kỹ năng mềm khác như thuyết trình, làm việc nhóm, phân tích, phản biện,… Tuy nhiên, để có thể làm được việc thì còn là một hành trình rất dài. Quan trọng hơn cả là bạn thể hiện được rằng bạn có kinh nghiệm như thế nào trong lĩnh vực này.

Hoặc nếu bạn là Fresher, intern, bạn cần bày tỏ sự chuyên nghiệp, cầu thị, mong muốn tham gia vào lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Và hãy đặt mục tiêu làm sao để có càng nhiều trải nghiệm càng tốt, chấp nhận thu nhập chưa được như bạn kỳ vọng. Bân cạnh đó là chuẩn bị kỹ các tình huống để phỏng vấn nhằm cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất nghiêm túc với công việc này.

Khi nào thì bạn biết mình có thể chuyển từ Fresher thành Junior và Senior?

Mình sẽ note cho các bạn những yêu cầu tối thiểu trong công việc của Fresher, Junior và Senior để bạn có thể tự đánh giá được level của mình đang ở đâu.

Level Fresher Data Analyst

Thường làm các công việc liên quan đến phân tích mô tả, chưa đi vào phân tích. Và Fresher thì vẫn đang trong quá trình thực hành để có thể thành thạo các tool.

Level Junior Data Analyst

  • Kiến thức về tool: chắc chắn, gần như trong quá trình làm việc không có lỗi liên quan đến tool, không sai các lỗi cơ bản. Leader của bạn không phải check lỗi cú pháp SQL; hay việc bạn không tính toán sai khi sử dụng Power BI.
  • Bên cạnh phân tích mô tả, bạn bắt đầu được làm công việc về phân tích chuẩn đoán.
  • Tập trung học kiến thức domain: bạn bắt đầu học kỹ năng phân tích, biết được lĩnh vực của doanh nghiệp đang kinh doanh như thế nào, phân tích theo bộ chỉ số ra sao.
  • Kỹ năng mềm: bạn sẽ làm việc trực tiếp với end user. Vì vậy bạn sẽ cần biết cách làm thế nào để bóc tách, khai phá đề bài, cũng như khả năng quản trị cảm xúc trong quá trình làm việc.

Lúc này, bạn không còn là một người học việc nữa. Bạn cần có trách nhiệm với bản thân và doanh nghiệp.

Level Senior Data Analyst

Với level này, bạn không chỉ phân tích mà còn phải đi sâu vào dữ liệu và đưa ra được insight.

Ngoài ra, bạn còn phải upskill lên kỹ năng phân tích dự báo, dự đoán. Đồng thời đưa ra đề xuất cho cấp trên.

Ở mỗi level, khi tỷ lệ sai sót trong lúc làm việc giảm xuống thì sẽ level của bạn sẽ tăng lên. Bạn có thể tự đánh giá level của mình dựa vào khả năng và những công việc bạn đang làm được.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn bớt mông lung trên hành trình trở thành Data Analyst! Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghề Data Analyst tại đây!