Trang chủ Blog Ứng dụng data – driven marketing: Thực trạng và ví dụ

Ứng dụng data – driven marketing: Thực trạng và ví dụ

30 Tháng Mười Một, 2023 - 8:11

Chúng ta đang sống trong thời đại số. Nhưng có vẻ tại nhiều doanh nghiệp, dữ liệu chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức với vai trò của nó. Smart Data sẽ cung cấp cho bạn một thực trạng về việc ứng dụng data trong marketing (data – driven marketing) trong các doanh nghiệp hiện nay. Cũng như gợi mở cho bạn một ý niệm về việc bắt đầu đưa data vào trong các hoạt động marketing của mình.

80% doanh nghiệp đang “bỏ quên” data trong marketing

Một quản lý marketing cấp cao (senior marketing manager) thuộc một trong những công ty Fortune 100 chia sẻ rằng: Các cuộc họp lãnh đạo cấp cao mà anh tham gia hàng tuần giống như một cuộc đấu súng. Và anh cảm thấy mệt mỏi khi phải tham gia cuộc đấu súng đó khi trong tay chỉ có vũ khí là… một con dao. Nguyên nhân là do anh bị thiếu dữ liệu cụ thể để giải trình với ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan tới hoạt động của phòng marketing.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc đo lường hiệu quả marketing. Người làm quản lý có nhiệm vụ phải trình báo về việc chi tiêu marketing đang như thế nào. Việc đó mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp. Hiệu suất marketing được cải thiện ra sao. Vậy nhưng ngay cả công ty lớn cũng đang chưa quan tâm đến data. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi 80% các doanh nghiệp hiện nay “bỏ quên” việc thu thập và phân tích dữ liệu trong hoạt động marketing.

61% các doanh nghiệp không có quy trình xác định và thu thập dữ liệu để đánh giá, ưu tiên các chiến dịch marketing.

73% không sử dụng bảng đánh giá với các chiến dịch liên quan đến mục tiêu kinh doanh quan trọng trước khi đưa ra quyết định về nguồn tiền.

57% tổ chức không sử dụng database để theo dõi và phân tích các chiến dịch marketing.

Nguyên nhân đến từ đâu?

Tại sao nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới dữ liệu? Vì sao họ gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động marketing dựa trên dữ liệu (data – driven marketing)? Có nhiều lý do:

  • Data – driven marketing còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp. Họ không biết cách triển khai như thế nào.
  • Không có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các hoạt động marketing dựa trên dữ liệu.
  • Cho rằng các hoạt động marketing xây dựng thương hiệu, tăng nhận diện không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu bán hàng trong một khoảng thời gian ngắn.
  • Số lượng dữ liệu được lưu trữ tăng mạnh khiến cho các marketer bị choáng ngợp. Thời gian và nguồn lực của họ có hạn. Vì vậy họ cảm thấy phải “vật lộn” với việc đo lường hiệu quả của các hoạt động marketing.
  • 55% các quản lý cũng báo cáo rằng nhân viên của họ không hiểu các metrics trong marketing.

Viện Nghiên cứu Dữ liệu Quốc tế (IDC) ước tính rằng: Việc lưu trữ dữ liệu đang tăng 60% mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng dữ liệu được lưu trữ tăng gấp đôi sau mỗi 20 tháng.

Tuy nhiên, một số marketer và doanh nghiệp đã nắm vững được các nguyên tắc trong Data – driven marketing. Họ cũng hiểu rõ các chỉ số marketing (metric). Những người này thường trở thành nhân sự nổi bật trong doanh nghiệp. Họ nhanh chóng thăng tiến và đạt được các vị trí cấp cao. Vậy với các doanh nghiệp thì sao? Những đơn vị nào quan tâm tới metrics và xây dựng văn hóa Data – driven marketing sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Nguyên nhân là bởi họ có thành tích kinh doanh (performance) tốt hơn đáng kể so với đối thủ.

Data – driven marketing không khó như bạn nghĩ: Trường hợp của Best Buy

Giảm giá không phải là một chiến lược đúng đắn với các hệ thống bán lẻ. Đặc biệt khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ. Các cuộc đua giảm giá sẽ khiến cho lợi nhuận ngày càng mỏng. Và đó cũng là lý do khiến hệ thống bán lẻ Circuit City (Hoa Kỳ) phá sản vào năm 2009.

Best Buy là một nhà bán lẻ đồ điện tử của Hoa Kỳ. Họ đã mạnh tay chi ngân sách cho thương hiệu, quan hệ khách hàng so với đối thủ. Họ cũng xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ marketing dựa trên dữ liệu. Best Buy cũng đánh giá, đo lường kết quả marketing theo một vòng phản hồi. Mục đích để tối ưu hóa hiệu quả marketing. Nhờ dữ liệu, các marketer đã phân tích đặc điểm mua hàng, nhân khẩu học của khách hàng.

Ví dụ: Best Buy đã đặt tên cho một tập khách hàng họ xác định được là “Jills”. Đó là những người mẹ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Họ là người ra quyết định chính trong việc mua sắm các thiết bị điện tử trong gia đình. Dựa trên dữ liệu này, Best Buy đã điều chỉnh hoạt động marketing tại các cửa hàng. Họ tập trung vào cửa hàng có số lượng khách hàng thuộc tập Jills lớn. Best Buy đã treo các banner lớn trong cửa hàng với hình ảnh là các bà mẹ, trẻ em sử dụng sản phẩm điện tử. Họ cũng quảng cáo trực tiếp qua email và thay đổi product mix để hấp dẫn Jills. Sau đó, họ so sánh kết quả gia tăng doanh số trước và sau khi thay đổi chiến lược marketing.

Kết luận về data – driven marketing

Hầu hết các doanh nghiệp không sử dụng database để quản lý và tối ưu hóa hoạt động marketing. Và các doanh nghiệp hàng đầu mà chú trọng vào data – driven marketing, sử dụng dữ liệu để đo lường hiệu quả hoạt động marketing thì sẽ có doanh thu cao hơn đáng kể so với đối thủ. Và họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, ít hơn 20% trên thị trường.

Vì vậy, hãy bắt đầu “để mắt” tới dữ liệu và xây dựng văn hóa data – driven marketing trong doanh nghiệp của bạn. Nó không quá khó và cao siêu như bạn nghĩ. Hãy bắt đầu từ việc tìm insight trong các dữ liệu về hiệu suất quảng cáo trên Facebook mà bạn thu được.